Hồi học phổ thông, có người giỏi Toán, có người giỏi Văn, có người giỏi anh văn… Cái giỏi xem như là năng khiếu. Nhưng trong 100 người thì số người có năng khiếu đếm trên đầu ngón tay. Như vậy những người còn lại thì rất nhiều. Vì không có khiếu nên phần lớn chúng ta phải siêng học, nhất là phải tự học. Mình là một trong số những người không có năng khiếu đó.
Có một giáo viên cho việc học tiếng anh là cần thiết, ít nhất người học phải trải qua các lớp căn bản. Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu tự học. Học một ngôn ngữ, chung quy lại cần luyện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc & viết.
Hãy nhớ lại và nhìn lại quá trình học nghe, học nói một đứa bé hai ba tuổi rồi ta nhớ lại lớp một mình học đọc, học viết như thế nào. Từ đó mình có thể rút ra những điều cho việc học một ngoại ngữ.
Nghe:
Rõ ràng một đứa bé nghe rất nhiều trước khi biết nói. Cái từ “ba”, “mẹ” chắc đứa bé phải nghe hàng trăm, hàng ngàn lần. Cũng vậy, từ “hello”, “good bye” ta nghe rất nhiều khi học anh văn, thế là thuộc. Khi muốn dạy đứa bé gọi tên trái táo, ta chỉ ra và gọi “trái táo”. Phải chi học tiếng anh cũng thế thì hay biết mấy. Như vậy, việc luyện nghe phải được diễn ra trước tiên. Chúng ta nghe càng nhiều càng tốt, càng có cái để minh hoạ càng tốt. Vì ta là người lớn, nên khi học có chữ, có câu kèm theo; nội dung, ý nghĩa thì đã có người dịch ra cho ta hiểu ý chứ không cần có cái “trực quan sinh động”. Như vậy ta có thể luyện nghe từ:
- Phim có phụ đề hoặc song ngữ: có thể mua CD/DVD về xem; có thể xem trên truyền hình cáp. Loại hình này vừa giúp ta giải trí, vừa giúp ta luyện nghe; tình huống trong phim giúp ta đoán được ý của lời thoại.
- Nghe các chương trình phát thanh tiếng anh trên TV, Radio: Vì rằng chương trình thời sự trong nước hay quốc tế thì ít nhiều ta biết nội dung qua tiếng Việt, giờ đây nghe lại bằng tiếng Anh ta có thể đoán ý và hiểu luôn.
- Băng đĩa từ nguồn của các trung tâm ngoại ngữ, các giáo viên dạy ngoại ngữ.
- Phần mềm học tiếng anh: ngày nay có nhiều phần mềm trong và ngoài nước. Phần mềm có thể giúp ta điều khiển quá trình nghe tuỳ thích. Do vậy một câu có thể nghe đi nghe lại nhiều lần. Các phần mềm nghe tốt như English Study 4.0, Lang Master…
- Các bài phát thanh, bài nói trên Internet: Internet có nguồn dữ liệu cho việc luyện nghe vô cùng phong phú. Tuy vậy, tránh lang thang trên NET ngày này qua ngày nọ mà chẳng tập trung tìm kiếm cái mình cần tìm. Sự “cám dỗ” của NET rất là đáng sợ. Một vài nguồn giúp luyện nghe như: VOANews, BBC, CNN, VOV…
Nói:
Ai sợ nghe thì người đó hầu như chẳng nói được gì. Đơn giản, mình phải nghe người ta nói gì, mình phải hiểu người ta nói gì rồi mình mới nói được. Trong thời gian đầu tiên học tiếng anh, nếu như gặp phải giáo viên phát âm tốt và họ chú ý luyện âm cho mình thì là tuyệt, ngược lại là điều bất hạnh. Nếu bất hạnh thì ta chỉ còn chờ vào việc luyện nghe từ các giọng chuẩn từ các nguồn nào đó rồi ta theo ấy mà nói, mà phát âm. Cách này thậm chí là cách luyện nói hữu hiệu. Ta nên học cách đọc phiên âm quốc tế, đây là cách tốt nhất giúp ta đọc đúng một từ khi tra từ điển.
Hằng tuần ta nên tự chuẩn bị một đề tài nói. Hãy đóng cửa lại, một mình cứ nói lớn lên về chủ đề chuẩn bị. Ta có thể đi CLB anh văn ở NVH Thanh niên hay ở một số trung tâm ngoại ngữ, trường đại học. Ở những nơi ấy ai cũng như mình, chấp nhận nói có sai một chút nhưng vẫn tập cho mình nói tự nhiên. Trong quá trình nói có thể phát hiện mình sai sau đó mình tự sửa.
Tìm cơ hội để nói chuyện với người nước ngoài. Hãy thử tưởng tượng bạn đi du lịch nước ngoài, có một người nước đó gặp bạn và hỏi chuyện bằng tiếng Việt, bạn hẳn sẽ sẵn lòng đáp lại. Vì vậy ta không ngại bắt chuyện với người nước ngoài. Khi cảm thấy người ta không muốn nói tiếp thì ta nên dừng.
Hầu như không có phần mềm nào giúp bạn luyện phát âm, luyện nói.
Đừng lo sợ sai văn phạm mà không chịu nói. Cứ nói, khi nói xong biết mình sai, lần sau mình sẽ sửa .
Đọc:
Trong bốn kỹ năng, đọc là kỹ năng dễ chịu nhất. Suốt các năm học phổ thông, thậm chí khi học đại học, ta gần như chỉ được đào tạo kỹ năng đọc/ đọc phát hiện sai từ vựng, ngữ pháp. (Chính vì điều đó nên khi giao tiếp ta chẳng nói được gì.) Thực ra có nhiều người đọc hiểu, và người ta chỉ cần kỹ năng này thôi. Để đọc tốt, ta cần học từ vựng; cần học văn phạm để biết cấu trúc câu mà phân tích. Trong từ vựng, giới từ là phần học học nhiều người sợ nhất, nhưng vẫn phải học thôi.
- Luyện từ theo chủ đề: Hãy tự nghĩ ra một chủ đề và cố tìm từ liên quan chủ đề ấy. Ví dụ nói về trái cây, ta tìm tên tiếng Anh của các loại trái cây, rồi nghĩ ra kịch bản đi mua trái cây thì nói thế nào, đi uống sinh tố thì nói thế nào…
- Đọc nhiều tài liệu, nhất là các bản tin. Ở đó từ thông dụng xuất hiện nhiều, ta sẽ mau quen từ mới.
- Sách luyện từ: thực ra là sách mà người ta làm theo từng chủ đề giúp mình. Trong đó gồm có chủ đề thực tế như hoa, quả, trường học… và cả chủ đề về từ vựng như danh từ, tính từ… Các loại sách này có nhiều trên internet. Cần biết từ khoá để tìm cho tốt, tránh lang thang trên net mất thời giờ.
- Về văn phạm, người ta khuyên xem sách văn phạm tiếng Anh luôn, nhưng theo tôi, tôi xem chẳng hiểu gì, vì vậy tôi vẫn cần sách văn phạm do người Việt Nam viết. Ví dụ hồi trước sách văn phạm của ông Trần Văn Điền khá hay. Khi nắm cơ bản văn phạm rồi thì có thể đọc sách văn phạm bằng toàn tiếng Anh.
- Có nhiều sách văn phạm thực hành tiếng Anh của các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới, nhất là nxb Oxford. Các sách này mô tả tóm tắt lý thuyết cùng ví dụ trong một trang, trang tiếp theo cho bài thực hành. Cuối sách có đáp án. Những sách loại này luyện văn phạm cực hay. Một số nhà sách có bán sách này, trên net thì nhiều vô cùng. Cũng như tìm sách từ vựng, chúng ta dùng từ khoá tốt tránh tốn nhiều thời gian tìm kiếm.
- Khi đọc, sẽ có những kiểu văn phạm khó hiểu, ta nên lật lại sách văn phạm để học lại.
- Khi viết, ta rất cần viết đúng văn phạm. Khi quên thì nên lật lại sách văn phạm để viết đúng.
Viết:
Như kỹ năng đọc, để viết được ta cần có vốn từ vựng và văn phạm. Ai đọc tốt thì thường viết được. Hầu hết các nhà văn là những người đọc rất nhiều. Đọc để có kiến thức để khi cần thì dẫn chứng. Đọc để quen với con chữ, quen với từ, với cấu trúc câu, quen với cách hành văn… Đọc để “thuộc” những chuẩn mực văn chương để khi viết ta nhớ ngay đến những cách người ta viết mà mình từng đọc.
- Cố gắng tập viết nhiều: Khi viết, nếu không biết một từ tiếng anh thì ta tra từ điển, đây là cách học từ vựng khá tốt. Chỉ những từ, câu nào mà ta nhọc công tìm kiếm để sử dụng thì ta mới nhớ nhiều. Khi viết ta có thể bối rối trước một cấu trúc văn phạm nào đó, đừng ngần ngại mở lại sách văn phạm để viết cho đúng, làm nhiều lần sẽ nhớ mà thôi.
- Hãy viết một chủ đề nào đó và dùng nó cho việc luyện nói. Hãy viết lại theo ý mình một đoạn, một bài nào đó mà mình vừa đọc. Viết xong đọc lại mình tự thấy hay đã là thành công.
- Dùng chương trình như MS Word luyện viết để chương trình phát hiện một số lỗi từ vựng, văn phạm của mình.
- Nhắc lại là muốn viết tốt phải đọc nhiều, và tất nhiên phải viết nhiều.
No comments:
Post a Comment